Chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi chính là thắc mắc của rất nhiều người bệnh đang trong quá trình điều trị và phục hồi. Trên thực tế, thời gian phục hồi khi bị chấn thương phần mềm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là mức độ nghiêm trọng của tổn thương phần mềm, phương pháp chăm sóc và cơ địa của mỗi người. Để giúp bạn giải đáp ngay thắc mắc chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi và làm sao để phục hồi nhanh chóng, Phòng khám Xương Khớp Hoàn Cầu xin được chia sẻ một số thông tin hữu ích qua bài viết dưới đây.
NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM
Chấn thương phần mềm chính là những tổn thương liên quan đến cơ, dây chằng, gân, da trên khắp cơ thể và không gây tác động đến xương hay các cơ quan nội tạng khác như não, dạ dày, ruột, tim,... Tình trạng chấn thương phần mềm xảy ra rất phổ biến, gây cản trở lớn đến khả năng vận động và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Hầu hết các trường hợp bị chấn thương phần mềm đều xuất phát chủ yếu từ quá trình tập luyện thể dục, chơi các bộ môn thể thao hoặc những cử động bất ngờ, mất kiểm soát khi sinh hoạt, đi lại,... Ngoài ra, nguyên nhân khiến phần mềm bị tổn thương còn có thể do cơ, gân phải hoạt động quá mức, từ đó gây tác động đến cấu trúc tổng thể, ví dụ như tình trạng căng cơ và bong gân do thói quen chạy bộ đường dài sau khi đã tập luyện mệt mỏi.
TÌNH TRẠNG CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM BAO LÂU THÌ KHỎI?
Chấn thương phần mềm là tình trạng khá phổ biến mà ai cũng có nguy cơ gặp phải, từ những vấn đề đơn giản nhưng bong gân mắt cá chân, đến các tổn thương có mức độ nặng hơn như đứt dây chằng ở cổ chân,...
Trên thực tế, câu trả lời cho thắc mắc chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi sẽ không cụ thể được mà còn tùy thuộc vào loại mô mềm, mức độ tổn thương, đặc điểm thể chất của mỗi người bệnh,... Theo đó, quá trình chữa lành chấn thương phần mềm sẽ trải qua các giai đoạn dưới đây:
• Giai đoạn viêm (từ 0 đến 6 ngày): Bắt đầu tính từ ngày chấn thương xảy ra và có thể kéo dài đến 6 ngày sau. Triệu chứng thường gặp trong giai đoạn này là tình trạng sưng tấy xung quanh vết thương và khi đó, các tế bào bắt đầu loại bỏ mô chết.
• Giai đoạn tăng sinh (từ ngày 6 đến ngày 24): Vết sưng sẽ có dấu hiệu giảm dần khi mô chết được loại bỏ và hình thành collagen loại III để sản sinh mô mới. Trong giai đoạn này, vùng bị tổn thương vẫn rất nhạy cảm vì mô mới được sản sinh vẫn còn yếu.
• Giai đoạn sửa chữa (từ ngày 21 đến 2 năm): Lúc này, collagen loại III đã được chuyển đổi thành collagen loại I tại mô sẹo. Khi mô mềm trải qua quá trình chữa lành, cơ thể sẽ tạo mô sẹo để thay thế mô đã bị tổn thương. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương phần mềm mà thời gian phục hồi sẽ khác nhau. Một số trường hợp nặng có thể mất đến 2 năm để khỏi hoàn toàn tình trạng chấn thương phần mềm.
NÊN LÀM GÌ ĐỂ VÙNG BỊ CHẤN THƯƠNG PHỤC HỒI NHANH?
Áp dụng biện pháp PRICE
► P - Protect (Bảo vệ): Người bị chấn thương phần mềm cần hạn chế vận động vùng bị đau, đặc biệt nên tránh việc kéo căng vì có thể khiến các mô suy yếu. Trường hợp gặp chấn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp bảo vệ khác như dùng nạng cho đầu gối, hông, mắt cá chân; dùng địu để mang bảo vệ cánh tay, vai.
► R - Rest (Nghỉ ngơi): Vùng tổn thương cần có thời gian nghỉ ngơi, tránh hoạt động gây đau như nâng cao cánh tay, đi bộ,... để đảm bảo các chức năng được phục hồi dần.
► I - Ice (Chườm đá): Người bệnh có thể bọc một vài viên đá trong khăn ẩm, sau đó chườm lên vùng tổn thương từ 15 đến 20 phút sau mỗi 3 đến 4 giờ.
► C - Compression (Băng ép): Để hạn chế đau nhức, giúp giảm sưng, người bệnh nên băng vùng bị chấn thương lại bằng nẹp. Tuy nhiên, phương pháp này cần được áp dụng đúng kỹ thuật để đảm bảo tuần hoàn máu không bị ảnh hưởng và vết thương không trở nên trầm trọng thêm.
► E - Elevating (Kê cao): Kê cao vùng bị tổn thương sẽ giúp người bệnh giảm đau đáng kể. Tùy theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể dùng thêm đệm hoặc đai để kê cao.
Bài tập vật lý trị liệu
Bên cạnh những phương pháp điều trị cơ bản, việc kết hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu rất cần thiết để đẩy nhanh tốc độ chữa lành chấn thương. Theo đó, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đưa ra lời khuyên, hướng dẫn các bài tập thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và hỗ trợ làm giảm nguy cơ chấn thương trong tương lai.
Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tốc độ chữa lành các tổn thương phần mềm. Dưới đây là một số hướng dẫn hữu ích cho người bị chấn thương phần mềm mà bạn có thể tham khảo:
♦ Bổ sung đầy đủ nhóm thực phẩm chứa nhiều protein như sữa, lòng trắng trứng, sữa chua, đậu phụ,... để tăng cường khả năng phục hồi và duy trì khối lượng cơ.
♦ Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để quá trình phục hồi tổn thương phần mềm thuận lợi và hiệu quả hơn.
♦ Tăng cường bổ sung những loại thực phẩm chống viêm, giàu chất chống oxy hóa như việt quất, dâu tây, bông cải xanh, quả hạch, cà rốt, ớt, khoai lang, cà chua,...
♦ Bổ sung các loại thực phẩm giàu axit nitric, omega-3, vitamin C để quá trình chữa lành và củng cố mô được đẩy nhanh hơn, chẳng hạn như cá mòi, cá hồi, cam, nước hầm xương,...
♦ Hạn chế việc tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn như nước ngọt, bánh kẹo,... để tránh tình trạng viêm nhiễm và kéo dài thời gian hồi phục.
LỜI KHUYÊN:
Các chuyên gia tại Phòng khám Xương Khớp Hoàn Cầu khuyên rằng: Người bị chấn thương phần mềm cần đảm bảo chế độ nghỉ ngơi hợp lý, áp dụng các phương pháp điều trị đúng cách và xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất cần thiết để quá trình hồi phục được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác hoặc nhận thấy tình trạng chấn thương không có dấu hiệu giảm nhiều, hãy chủ động liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.
Hy vọng những thông tin hữu ích trên của Phòng khám Xương Khớp Hoàn Cầu có thể giúp bạn giải đáp được thắc mắc chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi và nắm rõ một số cách giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Trong trường hợp gặp phải các vấn đề về cơ - xương khớp khác, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 028 3817 2299 hoặc KHUNG CHAT bên dưới để được hỗ trợ tận tình.